Điều Trị Bằng Methadone
- Chi tiết
- Chuyên mục: Methadone
- Được đăng ngày 16 Tháng 8 2012
- Viết bởi Super User
- Lượt xem: 11199
Một trong những phương pháp trị-liệu-bằng-thuốc cho những người nghiện các loại thuốc trong nhóm á phiện, đặc biệt cho những người xử dụng bạch phiến (heroin).
ĐIỀU TRỊ DUY TRÌ DÀI HẠN BẰNG METHADONE
Methadone Maintenance treatment
Điều trị duy trì dài hạn bằng methadone - Methadone Maintenance treatment
Điều trị duy trì dài hạn bằng methadone hay trị liệu / liệu pháp duy trì bằng methadone là một trong những phương pháp trị-liệu-bằng-thuốc cho những người nghiện các loại thuốc trong nhóm á phiện, đặc biệt cho những người xử dụng bạch phiến (heroin). Methadone là một loại thuốc á phiện tổng hợp (synthetic opiate) có tác dụng lâu hơn heroin, làm giảm bớt cơn thèm và triệu chứng vã thuốc. Những bác sĩ có phép của Bộ Y Tế có quyền cho toa cho những người nghiện heroin dùng methadone hằng ngày. Methadone được phân phối dưới dạng xi-rô để uống. Uống methadone mỗi ngày và thường là tại trạm y tế methadone, hay tại tiệm thuốc tây có thể giúp người ghiền sinh hoạt bình thường trừ việc lái xe hoặc điều khiển máy móc. Methadone rẻ hơn heroin và tác dụng trong cơ thể lâu hơn heroin. Một liều tác dụng khoảng 24 giờ, cho nên người nghiện được ổn định cơn ghiền để làm việc, để giải quyết mọi công việc trong cuộc sống hằng ngày không phải lo nghĩ tìm kiếm heroin cho cơn ghiền sắp đến. Chương trình điều trị có thể kéo dài khoảng hai năm hoặc lâu hơn. Mục đích chương trình là giảm thiểu sự tai hại do việc xử dụng ma túy gây ra cho chính người nghiện và nghững người chung quanh. Khi nào bệnh nhân muốn kết thúc việc điều trị, bác sĩ điều trị sẽ giảm dần dần liều lượng mê-tha-đôn, thường thường là khoảng từ 3 đến 12 tháng tùy theo lượng methadone họ đang xử dụng.
Tác dụng của methadone – Effects of methadone
Methadone là loại thuốc tổng hợp thuộc nhóm có á phiện. Không giống như heroin, methadone không đem lại cảm giác “phê” cho người xử dụng. Tuy vậy những tác dụng của methadone trong cơ thể cũng giống heroin rất nhiều:
- Giảm đau
- Cảm giác thoải mái
- Giảm áp huyết
- Làm nhịp tim chậm lại
- Giảm thân nhiệt
Phản ứng phụ thông thường của methadone – Common side effects of methadone
Không phải ai cũng bị phản ứng phụ với methadone, nhưng thường thì bị một hoặc vài phản ứng như sau đây:
- Ra mồ hôi: Mồ hôi ra nhiều đặc biệt vào ban đêm là bình thường. Hãy uống thêm nước để tránh mất nước
- Táo bón: Ăn thêm thực phẩm có chất sợi - trái cây, rau, cơm tẻ và những thực phẩm có chất cám - và uống thêm nhiều nước sẽ giúp tránh táo bón
- Giảm bớt ham muốn tình dục: Đây là một phản ứng phụ của tất cả những loại thuốc có á phiện gồm cả methadone và bạch phiến, nhưng rồi sẽ ổn định. Nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị, giảm liều methadone xuống có thể sẽ khá hơn
- Đau các bắp thịt và khớp xương: Một số người bị những phản ứng này, mặc dù uống đúng liều lượng methadone. Có người nhận thấy cơn đau như khi bị phong thấp
- Sâu răng: Đây có thể là một vấn đề vì methadone làm giảm việc tiết ra nước miếng. Nước miếng có chứa những chất sát trùng để giữ răng và lợi răng lành mạnh. Răng hư cũng có thể do ăn uống thất thường và thiếu dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc vệ sinh răng. Điều quan trọng là bạn cần đánh răng thường xuyên và khám răng định kỳ.
- Kinh nguyệt bất thường: Khi sử dụng bạch phiến nhiều phụ nữ thấy kinh nguyệt thất thường. Nhưng sau một thời gian điều trị bằng methadone, một số thấy kinh nguyệt trở lại bình thường.
Tại sao xử dụng Methadone? – Why Methadone?
Phương pháp điều trị bằng methadone được công nhận với tầm mức quốc gia và quốc tế, là một phương pháp điều trị hữu hiệu và đã được thực hiện tại NSW, Australia từ năm 1969. Methadone loại trừ được những triệu chứng vã thuốc và ổn định cơn thèm. Mục đích chương trình điều trị duy trì methadone là để giúp người nghiện ở trong chương trình điều trị một khoảng thời gian dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Các cuộc nghiên cứu cho biết nếu người nghiện ở lâu trong chương trình điều trị thì họ càng dễ đạt đến mục đích chữa trị. Không có phương pháp điều trị nào thích hợp chung cho tất cả mọi người - phương pháp điều trị thích hợp tùy vào nhu cầu và hoàn cảnh của bệnh nhân. Nếu nghi ngờ điều gì về việc điều trị bằng methadone, hãy nói chuyện với chuyên viên điều trị.
Những lợi điểm khi điều trị bằng mê-tha-đôn:
- Giảm được các cơn thèm liên quan đến cơn ghiền bạch phiến (heroin withdrawal)
- Hành động phạm pháp giảm bớt
- Sức khoẻ thể xác, tinh thần được cải thiện hơn
- Giảm thiểu nguy cơ dùng chung kim và ống chích đưa đến việc lây nhiễm viêm gan B, C hay siêu vi HIV
- Cuộc sống xã hội và kinh tế ổn định hơn
- Methadone rẻ hơn và có tác dụng lâu hơn bạch phiến
- Trong trường hợp có thai, sử dụng methadone an toàn hơn nhiều so với dùng bạch phiến
- Giúp bạn giữ được việc làm hoặc kiếm được việc làm
Những bất tiện khi dùng mê-tha-đôn:
- Phải chịu khó đến uống thuốc mỗi ngày
- Có thể gặp khó khăn khi đi du lịch hay nghỉ mát và cần phải sắp xếp kỹ lưỡng trước khi đi
- Có thể bị những phản ứng khó chịu
- Vẫn còn bị lệ thuộc vào methadone cho đến khi chương trình điều trị hoàn tất và bạn không còn nghiện nữa
- Methadone là một loại thuốc mạnh và có thể gây nguy hiểm nếu dùng không đúng theo sự hướng dẫn. Sử dụng quá nhiều methadone, có thể bị “ngộ độc thuốc vì dùng quá liều” (overdose)
Làm thế nào để được tham gia chương trình điều trị bằng methadone – How to start methadone treatment
Một số bác sĩ được phép Bộ Y Tế cung cấp chương trình điều trị bằng methadone cho những người nghiện heroin. Muốn tham gia chương trình điều trị người nghiện heroin phải:
- Liên lạc với các dịch vụ điều trị về ma túy của Bộ Y Tế trong vùng mình ở hay bác sĩ gia đình có phép của Bộ Y Tế cho toa methadone để làm cuộc chẩn định về mức độ nghiện ghiền ma túy. Nếu thấy thích hợp với chương trình methadone, bác sĩ sẽ nạp đơn lên Bộ Y Tế xin phép cho người nghiện tham gia chương trình. Có thể bác sĩ phải chờ đến 4 ngày mới chính thức được phép cho toa
- Người nghiện phải hằng ngày đến trung tâm y tế methadone công hay tư hoặc nhà thuốc tây đã được sắp xếp để uống thuốc dưới sự giám sát của nhân viên phát thuốc
- Sau ba ngày đầu có thể bác sĩ cần điều chỉnh lượng methadone cho phù hợp và trong thời gian hai tuần đầu cần gặp bác sĩ thường xuyên hơn và báo cho bác sĩ biết mình cảm thấy ra sao
- Trong thời gian điều trị nên thỉnh thoảng gặp chuyên viên cố vấn về ma túy để được cố vấn, hướng dẫn thêm, hoặc được tham dự những khoá học đặc biệt khác.
Thời gian điều trị - Length of treatment
Thời gian điều trị bằng methadone của mỗi người khác nhau và nhất là tùy theo nhu cầu cá nhân của bệnh nhân. Chương trình điều trị có thể kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm. Toán nhân viên điều trị sẽ cho biết cần điều trị khoảng bao lâu. Các nghiên cứu cho thấy chương trình điều trị càng lâu bao nhiêu, việc điều trị càng dễ thành công bấy nhiêu. Mục đích cuối cùng là giảm liều methadone cho đến khi bệnh nhân không còn dùng ma túy nữa. Bất cứ khi nào bệnh nhân cũng có thể yêu cầu cơ quan điều trị / tóan nhân viên điều trị thảo luận về việc điều trị cho mình, kể cả việc giảm dần liều methadone. Khi thảo luận với họ về chương trình điều trị bằng methadone, bệnh nhân cũng nên đề ra những mục đích cho việc cai nghiện của mình.
Quá liều - Overdose
Có thể ‘bị ngộ độc thuốc vì dùng quá liều’ trong khi điều trị bằng methadone. Nguy cơ bị quá liều tăng lên nếu
dùng kèm theo những loại thuốc khác (rượu, thuốc ngủ vv...) trong khi điều trị bằng methadone. Những dấu hiệu quá liều bao gồm:
- Nôn mửa
- Nói lắp bắp
- Đứng không vững
- Thở hổn hển
- Lẫn trí, buồn ngủ, ngủ gật
- Ngáy hoặc có tiếng oọc oọc trong cổ họng
- Da tái, môi và móng tay tím xanh
Nguy cơ ngộ độc thuốc vì dùng quá liều cũng tăng thêm khi bạn có bệnh về thận hoặc gan, như là viêm gan, bởi vì các loại thuốc được lọc ra khỏi máu ở mức độ chậm hơn bình thường. Những ai không quen dùng methadone, có thể dễ bị quá liều với liều rất nhỏ.
Ảnh hưởng đến việc lái xe và điều khiển máy móc – Effects on driving and operating machinery
Methadone có thể gây buồn ngủ, đặc biệt là vào những giai đoạn đầu của cuộc điều trị. Không nên lái xe cho đến khi việc dùng methadone được đều đặn, ổn định, không thay đổi. Uống rượu với methadone sẽ tăng tác dụng của thuốc và có thể làm cho việc lái xe không an toàn dù lượng rượu trong máu ở dưới mức luật pháp ấn định.
Methadone và vấn đề chăm sóc con cái – Methadone and children
Chăm sóc cho con em của bạn cũng là một phần quan trọng trong chương trình điều trị bằng methadone. Toán nhân viên điều trị cho bạn có thể hướng dẫn và giúp đỡ về việc chăm sóc con cái, đặc biệt là những em dưới 5 tuổi. Khi đi đến cơ quan điều trị để nhận thuốc, đừng bao giờ để con ở nhà một mình. Nên đem con theo hay nhờ một người nào mình tin cậy chăm sóc chúng khi mình không có ở nhà.
Methadone là loại thuốc vô cùng nguy hiểm cho trẻ em. Nếu bạn được đem thuốc về nhà, điều rất quan trọng là phải cất giữ thuốc ở một nơi trẻ em không với tới được.
- Hãy xin dược sĩ cho bạn lọ thuốc có nắp mà các em không mở được
- Cất thuốc ở một nơi cao trong tủ – nếu tủ có khoá càng tốt
- KHÔNG để thuốc cạnh giường hoặc trong tủ lạnh
- KHÔNG uống methadone trước mặt trẻ nhỏ, đặc biệt các em tuổi từ 1-5.
Điều trị bằng methadone và vấn đề thai sản – Methadone treatment and pregnancy
Dùng bạch phiến trong thời kỳ mang thai có thể gây nguy hại cho cả mẹ lẫn thai nhi. Ăn uống thiếu thốn, sức khoẻ yếu kém, hút thuốc nhiều và không đi khám thai cũng có thể gây nhiều vấn đề trong thời kỳ mang thai.
Việc điều trị bằng methadone thường tạo cơ hội tốt cho việc thai sản bình thường và đứa bé khoẻ mạnh hơn là cứ tiếp tục dùng bạch phiến. Lý do là vì:
- Dùng methadone hằng ngày người mẹ sẽ không lên cơn ghiền (cơn ghiền có ảnh hưởng tai hại đến thai nhi)
- Nề nếp sinh hoạt ổn định, đều đặn hơn, đối với nhiều phụ nữ có nghĩa là sức khoẻ và việc dinh dưỡng của họ khả quan hơn
- Liều methadone được phát hoàn toàn nguyên chất, không pha chế với bất cứ loại hoá chất độc hại nào khác.
Trong thời kỳ thai sản, các bà mẹ trong chương trình methadone được điều trị với liều nhẹ và tiếp tục dùng như vậy sau khi sinh. Các em sơ sinh có mẹ tham gia chương trình methadone trong lúc mang thai thường có những triệu chứng lên cơn ghiền cần được điều trị tại bệnh viện. Các bệnh viện hiện có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị các trẻ sơ sinh có triệu chứng lên cơn ghiền. Hãy cho nhân viên bệnh viện biết mình đang tham gia chương trình methadone. Nói chung, phụ nữ được điều trị bằng methadone trong lúc có thai ít gặp rắc rối về phương diện sức khoẻ hơn những người tiếp tục dùng bạch phiến. Bác sĩ khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ vì lượng methadone đi vào sữa rất ít. Tác dụng lâu dài ở các em có mẹ đang được điều trị bằng methadone không đáng kể. Đa số các nghiên cứu cho thấy sự phát triển về phương diện trí tuệ, xã hội và cơ năng vận động của các em nói trên vẫn ở mức bình thường. Một khi có thai bạn sẽ được ưu tiên tham gia chương trình điều trị bằng methadone nếu bác sĩ xét thấy thích hợp. Bạn nên thảo luận vấn đề này với cơ quan điều trị cho mình. Nếu bạn muốn được giúp đỡ thêm, bạn hãy liên lạc với Cơ Quan Hướng Dẫn Các Vấn Đề Liên Quan Đến Rượu và Ma Túy (Alcohol & Drug Information Services – ADIS).
HIV/AIDS và Viêm gan – HIV/AIDS and Hepatitis
Dùng chung kim chích và ống chích là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự truyền nhiễm siêu vi HIV (gây ra bệnh AIDS) và siêu vi viêm gan B và C (gây ra các bệnh gan).
Tham gia chương trình methadone sẽ giảm nguy cơ bị (hoặc lây nhiễm) HIV và viêm gan B và C vì bạn sẽ không dùng kim tiêm chích nữa.
Bạn cũng có thể bị lây nhiễm HIV và chứng viêm gan B nếu không áp dụng các biện pháp an toàn khi giao hợp (làm tình). Cũng như bao nhiêu người khác, bạn cần áp dụng các biện pháp an toàn khi giao hợp (safe sex) để giảm nguy cơ mắc bệnh AIDS hoặc viêm gan. Một trong những biện pháp an toàn này là luôn luôn sử dụng bao cao su hay ‘áo mưa’(condom) khi làm tình.
Việc thử máu để xem cơ thể có siêu vi HIV không, không phải là điều kiện tiên quyết để quyết định bạn có được tham gia chương trình điều trị bằng methadone không. Việc thử HIV hoàn toàn do tinh thần tự nguyện – bác sĩ có thể sắp xếp việc thử HIV song song với việc hướng dẫn phù hợp với trường hợp của bạn. Nếu bạn không muốn thử HIV, quyết định này sẽ không ảnh hưởng gì đến việc bạn có được tham gia chương trình điều trị bằng methadone hay không.
Nếu khi thử máu thấy trong cơ thể có siêu vi HIV, bạn sẽ được ưu tiên điều trị bằng methadone với điều kiện bác sĩ xét thấy trường hợp của bạn thích hợp với chương trình. Những nghiên cứu mới đây cho thấy việc cai nghiện bằng methadone có thể giúp cho hệ thống miễn nhiễm của cơ thể mạnh hơn, và xét về mặt tổng quát , nó có lợi cho sức khoẻ của người dùng bạch phiến trong cơ thể có mang siêu vi HIV hơn.
Nếu trong cơ thể có siêu vi viêm gan loại C, việc cai nghiện bằng methadone có lẽ sẽ giúp cho sức khoẻ tăng tiến hơn. Lý do là vì bạn sẽ ít dùng ma túy hơn, ăn uống điều độ hơn, nghỉ ngơi được nhiều hơn và nói chung tinh thần ít bị căng thẳng hơn.
Tài liệu tham khảo - References
1. Những Điều Cần Biết Về Việc Điều Trị Dài Hạn Bằng Methadone - Methadone Maintenance treatment Essential Information, Vietnamese Version, Drug Health Services WZ, Sydney South West Area Health Service, June 2005
2. NSW Health 2000, Methadone Maintenance Treatment Essential Information
3. http://www.health.nsw.gov.au/public-health/dpb/publications/methadone.html
4. http://www.adf.org.au/drughit/facts/methadone.html
5. Methadone treatment information, Central Sydney Area Health Service, Drug Health Services
6. The Methadone Handbook, 2nd Ed. Published by Andrew Preston/Australian Drug Foundation, 1998,1999
7. Ma Túy, Những Điều Phụ Huynh Và Con Em Cần Biết – Drug Information for Parents and Young People, Vietnamese Australian Welfare Association, NSW Inc. June 2000, May 2001