VDAP

photo-12
photo-03
photo-10
photo-05
photo-11
photo-14
photo-07
photo-17
photo-15
photo-04
photo-06
photo-16
photo-09
photo-02
photo-08
photo-01
photo-13

LIÊN LẠC ĐIỀU TRỊ

  Drug Health Services, South West Sydney LHD 1300 031 131
 Drug Health Services, Sydney LHD02 9515 6311

ĐT Thông Dịch (TIS)   131 450 


 

Tình hình nghiện ma túy tại Việt Nam

TÌNH HÌNH NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY Ở VIỆT NAM newboxsm w

26/11/2012  SA  matuyVN

Tính đến năm 2012 cả nước có khoảng 170.000 người nghiện ma túy. So với cuối năm 1994, số người nghiện ma túy đã tăng khoảng 2,7 lần với mức tăng xấp xỉ 10.000 người nghiện mỗi năm. Người nghiện ma túy đã có 63/63 tỉnh, thành phố, khoảng 90% quận, huyện, thị xã và gần 60% xã, phường, thị trấn trên cả nước.

Cơ cấu người nghiện ma túy theo vùng miền cũng đã có những thay đổi đáng kể. Nếu như giữa những năm 90 của thế kỷ trước, nghiện ma túy chủ yếu phổ biến ở người dân tại các tỉnh miền núi phía Bắc thì từ giữa những năm 2000 đã tăng mạnh xuống vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Đông Nam bộ. Năm 1994 có tới hơn 61% người nghiện ma túy ở Việt Nam thuộc khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc thì tới năm 2009 tỷ lệ này là gần 30%. Ngược lại, tỷ lệ người nghiện ma túy thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng trong tổng số người nghiện ma túy của cả nước đã tăng từ 18,2% lên 31% trong cùng kỳ. Tương tự, tỷ lệ người nghiện ma túy thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ đã tăng từ 10,2% lên 23%.

 Độ tuổi của người nghiện ma túy cũng có xu hướng trẻ hóa. Cuối năm 2010, gần 70% người nghiện ma túy ở độ tuổi dưới 30 trong khi năm 1995 tỷ lệ này chỉ khoảng 42%. Hơn 95% người nghiện ma túy ở Việt Nam là nam giới. Tuy nhiên, tỷ lệ người nghiện là nữ giới cũng đang có xu hướng tăng trong những năm qua.

Theo số liệu khảo sát của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại thời điểm cuối năm 2009, đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp, khoảng 10% không biết chữ, 59% có trình độ văn hóa từ tiểu học tới trung học cơ sở. Có khoảng 2/3 số người nghiện chưa từng được đào tạo nghề; gần 20% đã được học nghề nhưng không được cấp bằng, chứng chỉ; khoảng 12% được đào tạo nghề một cách chính quy, được cấp bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Đa số người nghiện ma túy không có nghề nghiệp ổn định, chi tiêu chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của gia đình, thu nhập hợp pháp chỉ bằng 1/3 số tiền chi cho ma túy.

Loại ma túy được sử dụng và hình thức sử dụng ma túy cũng có nhiều thay đổi phức tạp. Thay cho vai trò của thuốc phiện trong hơn 10 năm trước đây, heroin hiện là loại ma túy được sử dụng chủ yếu ở Việt Nam, có tới 96,5% người nghiện thường xuyên sử dụng heroin trước khi tham gia cai nghiên. Mặc dù tỷ lệ người nghiện thuốc phiện và các chất kích thích dạng Amphetamine (ATS hay ma túy tổng hợp) tương đương nhau, khoảng 1,2% - 1,4% nhưng theo đánh giá của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), việc lạm dụng ATS, đặc biệt là Methamphetamine, đang có xu hướng gia tăng trong người nghiện ma túy tại Việt Nam, nhất là khi Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á là khu vực chiếm ½ số người lạm dụng loại ma túy này trên toàn thế giới. Việc gia tăng lạm dụng các loại ma túy tổng hợp khiến cho công tác phòng ngừa và cai nghiện phục hồi cho nhóm người nghiện ma túy gặp rất nhiều khó khăn.

Cách thức sử dụng ma túy cũng có nhiều thay đổi. Nếu như năm 1995 chỉ có chưa đến 8% số người nghiện tiêm chích ma túy và hơn 88% chủ yếu hút, hít thì tới cuối năm 2009 số người chích ma túy chiếm hơn ¾ tổng số người nghiện ma túy của cả nước. Hình thức sử dụng ma túy chủ yếu là tiêm chích với việc dùng chung bơm kim tiêm đã dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm HIV cao trong nhóm người nghiện chích ma túy (17,2%). Theo số liệu từ Bộ Y tế, người nghiện chích ma túy cũng là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người nhiễm HIV ở Việt Nam (41,1% tính đến cuối tháng 6/2011).

Bên cạnh những hậu quả liên quan tới HIV/AIDS, xấp xỉ 50% số người nghiện được khảo sát năm 2009 cho biết họ đã gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, ảo giác, căng thẳng thần kinh trong 12 tháng trước khi tham gia cai nghiện, trong đó 11,4% thường xuyên hoặc luôn luôn gặp những vấn đề như vậy. Một tỷ lệ tương tự người nghiện ma túy thường gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất.

Bên cạnh những hệ lụy về tài chính và sức khỏe do sử dụng ma túy, hơn 1/3 số người nghiện ma túy tham gia cuộc khảo sát trên còn cho biết đã gặp những khó khăn, mâu thuẫn trong quan hệ với người thân trong gia đình.

Ngoài ra, nghiện ma túy là nguồn gốc, nguyên nhân tiềm tàng phát sinh nhiều loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội như giết người, cướp của, trộm cắp, cố ý gây thương tích, bạo lực gia đình… Số liệu khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, có gần 38% số học viên được tiếp nhận và hỗ trợ cai nghiện tại các Trung tâm đã có tiền án hoặc tiền sự. Theo số liệu từ Bộ Công an, khoảng 11% trong tổng số 143.196 người nghiện có hồ sơ quản lý của cả nước cuối năm 2010 đang được quản lý tại các Trại giam, Cơ sở Giáo dưỡng, Trường giáo dưỡng do ngành Công an quản lý do có các hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Như vậy, có thể thấy tình hình lạm dụng ma túy ở Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma túy mới, hình thức sử dụng ma túy không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo nghề và không có việc làm ổn định, thường gặp các vấn đề về sức khỏe, kinh tế khó khăn, nhiều người không được sự hỗ trợ của người thân, gia đình. Do vậy, việc tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy là cần thiết nhằm giúp họ từ bỏ sự phụ thuộc vào chất gây nghiện, đồng thời trang bị, phục hồi cho họ các kỹ năng sống và kỹ năng lao động để đảm bảo thực hiện đầy đủ các vai trò của mình trong gia đình và xã hội.

Theo trang Web:

http://www.lamdong.gov.vn/vi-VN/a/tuyentruyen/tuyentruyen/matuy/Pages/TINHHINHNGUOINGHIENMATUYOVIETNAM.aspx

Khoa Học & Y Khoa

Bạn đang ở trang: Home Tin Hay Tình hình nghiện ma túy tại Việt Nam