Một Số Khái Niệm và Định Nghĩa
- Chi tiết
- Chuyên mục: Thông Tin Liên Hệ
- Được đăng ngày 16 Tháng 8 2012
- Viết bởi Super User
- Lượt xem: 7558
MỘT SỐ KHÁI NIỆM VÀ ĐỊNH NGHĨA - Concepts and Definitions
Ma túy - Drug
Theo từ điển Hán Việt, ‘ma’ là làm cho tê liệt; ‘túy’ là làm cho mê mẩn, say sưa. Ma túy là chất có tác dụng gây trạng thái ngây ngất, đờ đẫn, tê liệt, dùng quen thành nghiện. Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, “Ma túy là bất cứ chất gì khi vào trong cơ thể, làm xáo trộn hoạt động bình thường của cơ thể, tâm lý và trí óc con người”.
Ghiền / Nghiện – Dependence (Addiction)
Xử dụng ma túy thường xuyên có thể bị ghiền. Có nhiều mức độ ghiền, từ nhẹ đến nặng. Khi nói đến ghiền người ta có thể nghĩ là lệ thuộc về mặt tâm lý, thể lý (của cơ thể) hoặc cả hai.
Lệ thuộc tâm lý - Psychological dependence là khi việc xử dụng ma túy trở thành quan trọng hơn mọi việc khác trong cuộc sống. Người ghiền cảm thấy thèm thuốc mãnh liệt và cảm thấy bị ép buộc phải tiếp tục xử dụng; nếu không có thuốc, họ không thể chịu đựng được. Sự lệ thuộc tâm lý thường mãnh liệt hơn và khó vượt qua hơn là sự lệ thuộc về thể lý. Sau khi cơ thể thải ma túy ra ngoài và có thể trở lại bình thường trong ít ngày hay vài tuần, nhưng tâm trí và cảm xúc cần thời gian lâu hơn.
Lệ thuộc thể lý - Physical dependence là khi cơ thể thích ứng với ma túy, quen với thuốc và cần nó để hoạt động bình thường. Vì vậy một người lệ thuộc ma túy về thể lý, nếu ngưng xử dụng, họ sẽ bị vã thuốc (hội chứng cai nghiện) hay là ‘lên cơn ghiền’.
Lờn thuốc - Tolerance
Tình trạng lờn thuốc hay quen thuốc có nghĩa là người xử dụng ma túy ngày càng cần lượng ma túy nhiều hơn để có thể đạt được cùng một hiệu quả tương đương như trước kia với liều lượng thấp hơn.
Say thuốc – Intoxication
Say thuốc là tình trạng xử dụng một lượng thuốc vượt quá sức chịu đựng của cơ thể và nó gây ra những bất thường về thể lý hay thái độ.
Quá liều - Overdose
Quá liều là tình trạng xảy ra khi xử dụng một lượng thuốc quá mạnh đối với sức chịu đựng của cơ thể. Khi bị quá liều heroin hoặc những thuốc thuộc nhóm á phiện, nạn nhân ngất xỉu cùng với những dấu hiệu như sau:
- môi, đầu ngón tay, ngón chân tím tái (vì thiếu dưỡng khí)
- hơi thở chậm, nông hoặc ngừng thở
- ngáy hoặc hơi thở “oọc, oọc”
- không có phản ứng khi lay động, gọi tên
- mạch rất chậm hoặc không còn
Giảm Thiểu Tai Hại hoặc Giảm Bớt Tai hại - Harm Minimisation or Harm Reduction
Giảm thiểu tai hại là làm giảm bớt chừng nào tốt chừng đó những hậu quả tai hại do việc xử dụng ma túy gây ra, ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình và xã hội.
Ngưng hẳn việc xử dụng ma túy là một chọn lựa lý tưởng để giảm thiểu tai hại, nhưng không phải tất cả những người xử dụng ma túy đều có thể thực hiện được. Đối với những người vẫn tiếp tục xử dụng thì việc quan trọng là làm sao xử dụng một cách an toàn để giảm thiểu tai hại cho chính họ, gia đình và xã hội.
Kế Hoạch Quốc Gia Về Ma Túy 1998 – 2003 của Úc Đại Lợi (National Drug Strategic Framework 1998 - 2003) mô tả giảm thiểu tai hại như sau:
Giảm thiểu tai hại bao gồm các chính sách và những chương trình nhắm đến việc giảm bớt những tai hại do ma túy gây ra. Giảm thiểu tai hại bao gồm những phương pháp sau:
- Các kế hoạch giảm bớt sự cung cấp (Supply reduction strategies) nhằm ngăn chặn phá vỡ việc sản xuất và cung cấp ma túy bất hợp pháp;
- Các kế hoạch giảm bớt nhu cầu (Demand reduction strategies) nhằm phòng ngừa việc xử dụng ma túy tai hại; và
- Các kế hoạch giảm tai hại (targeted harm reduction strategies) được đặt ra để giảm bớt tai hại cho những cá nhân riêng biệt và các cộng đồng (Hội Đồng Bộ Trưởng về Kế Hoạch Đối với ma túy – Ministerial Council on Drug Strategy, 1998 p15)
Với định nghĩa này của chữ “harm minimisation”, thì chữ “harm reduction” là một từ phụ của “harm minimisation”. Tuy nhiên từ “harm reduction” thường được dùng đồng nghĩa với từ “harm minimisation”.
Chương trình trao đổi kim và ống chích – Needle and Syringue Exchange Program
Chương trình cung cấp miễn phí kim, ống chích, bao cao su (condom), và hướng dẫn việc xử dụng ma túy an toàn. Các chương trình trao đổi cũng lấy lại những kim, ống chích đã xử dụng rồi để hủy bỏ an toàn.
Phòng ngừa ma túy – Drug Prevention
‘Phòng ngừa’ gồm các chữ ‘đề phòng’ và ‘ngăn ngừa’. ‘Đề phòng’ là ‘chuẩn bị trước để sẵn sàng đối phó, ngăn ngừa, hoặc hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra’. ‘Ngăn ngừa’ là ‘làm cho cái xấu, cái không hay đang có khả năng xảy ra sẽ không xảy ra được’. ‘Phòng ngừa’ là chuẩn bị trước, bằng cách này hay bằng cách khác, không để cho cái xấu, cái không hay nào đó xảy ra.
Phòng ngừa ma túy là bất cứ hoạt động nào nhắm đến việc giảm bớt hoặc giảm thiểu việc sử dụng ma túy và những hậu quả tai hại của nó.
Phòng ngừa bao gồm những nỗ lực để bảo đảm đời sống khoẻ mạnh, an toàn và có năng suất cho mọi người. Phòng ngừa vận động những lối sống xây dựng ngăn cản việc xử dụng ma túy Khi nói tới phòng ngừa người ta thường nghĩ tới 3 cấp phòng ngừa và dùng một số cách thức can thiệp khác nhau. Cách thức can thiệp có thể chỉ đơn giản như cho thông tin hướng dẫn, hoặc có thể tham gia trong việc hỗ trợ một người cắt cơn nghiện ma túy. Loại kế hoạch phòng ngừa xử dụng cho một cá nhân lệ thuộc vào cách xử dụng ma túy và những vấn đề gặp phải.
Phòng ngừa sơ cấp – Primary preventiom
Việc can thiệp ở mức độ từng cá nhân một hoặc cộng đồng để phòng ngừa việc xử dụng ma túy, hoặc cản chậm lại sự phát triển của việc xử dụng ma túy. Những kế hoạch chính là giáo dục về ma túy trong trường học, luật pháp hạn chế việc cung cấp và hướng dẫn, giáo dục cộng đồng qua các chiến dịch truyền thông, các cuộc bảo trợ hay các chương trình phát triển cộng đồng.
Phòng ngừa cấp hai / trung cấp – Secondary prevention
Những kế hoạch can thiệp nhằm giảm thiểu hay phòng ngừa việc xử dụng ma túy và việc gia tăng xử dụng bao gồm cả việc can thiệp sớm. Những buổi hướng dẫn, những chiến dịch vận động uống rượu bia một cách có trách nhiệm là thí dụ kế hoạch phòng ngừa trung cấp. Phòng ngừa trung cấp có thể bao gồm sự làm việc với cá nhân, gia đình, trường học, giới trẻ, hoặc bạn đồng trang lứa.
Phòng ngừa cấp ba – Tertiary prevention
Những kế hoạch can thiệp nhắm đến những người ghiền nghiện ma túy và nhắm đến việc phòng ngừa những tai hại tệ hơn hoặc giúp đỡ người nghiện ra khỏi việc nghiện ngập. Thường thường bao gồm tất cả mọi hình thức điều trị.
Phòng ngừa cấp ba thường được gọi là trị liệu và phục hồi. Công việc can thiệp bao gồm cắt cơn, cố vấn, trị liệu (chương trình methadone, buprenorphine, điều trị thay thế nicotine), phục hồi, nhóm tương trợ và điều trị cho cả gia đình. Mục đích của việc điều trị là giảm thiểu hay kết thúc việc xử dụng ma túy.
Triệu chứng vã thuốc/hội chứng cai thuốc/lên cơn ghiền – Withdrawal symptoms
Khi người ghiền không có ma túy để tiếp tục xử dụng sẽ lên cơn ghiền hay gọi là "vã thuốc" hay bị “hội chứng cai”. Thời gian và mức độ trầm trọng của cơn ghiền hay vã thuốc tùy thuộc vào loại ma túy, thời gian xử dụng, liều lượng, cách xử dụng (hút, hít, chích v.v...) và các yếu tố tâm lý và thể lý.
Những triệu chứng vã thuốc khác nhau tùy thuộc vào loại ma túy và thời gian bị ghiền. Những triệu chứng này có thể bao gồm rùng mình, buồn nôn, ói mửa, lo âu, mất ngủ, tiêu chảy, đau dữ dội ở dạ dày, thay đổi tâm tính, toát mồ hôi, sốt, ớn lạnh, đau khớp xương và mê sảng. Cơn ghiền hay vã thuốc có thể kéo dài khoảng 4 đến 10 ngày. Nhiều người cho rằng vật vã về khiá cạnh tâm lý khó chịu hơn là vật vã về mặt thể xác. Vật vã về tâm lý có thể kéo dài hàng tháng hoặc nhiều năm.
Cắt cơn nghiện – Detoxification/Withdrawal
Trong tiếng Anh, người ta thường xem hai từ “Detoxification” và “Withdrawal” đồng nghĩa với nhau. Theo từ ngữ, thì từ “Detoxification” có nghĩa là “giải độc”, là tiến trình loại ma túy ra khỏi cơ thể. Cắt cơn nghiện là phương pháp giúp cho người cai ma túy vượt qua cơn ghiền, cơn vã thuốc với sự chăm sóc và kiểm soát để giảm thiểu những triệu chứng vật vã và những rủi ro.
Tài liệu tham khảo - References
1. Commonwealth Department of Health, Housing, Local Government and Community Services, Handbook for Medical Practitioners and other Health Care Workers on Alcohol and other Drug Problems, 1993.
2. http://www.druginfo.adf.org.au , What is Drug Prevention ? – For Parents, For Schools, For Workers
3. Christine Burrows, Clue Up Too, Helping young people with drug issues, Australian Drug Foundation, Victoria, 1994.